Phố Sách TP. Hồ Chí Minh thành công nhờ không chỉ bán sách

 

Ngay từ ngày đầu đề ra mô hình đường sách kiểu mới, ông Lê Hoàng, một trong những người khởi xướng đã cho rằng, đường sách không phải là nơi để bán sách. Bởi sẽ không thể cạnh tranh với các siêu thị sách tiện nghi, cũng không phải là nơi hay nhất để đọc sách, bởi đó là trách nhiệm của thư viện, điều mà một không gian mở như đường sách khó đáp ứng được. Mục tiêu của đường sách là tạo nên một không gian, nơi giao lưu tổ chức sự kiện văn hóa, trong đó sách là trọng tâm. Việc bán sách chỉ được xem là thứ yếu, để bù đắp kinh phí hoạt động của các gian hàng, thậm chí có đơn vị chấp nhận bù lỗ.
 
 
Thế nhưng, với sự thu hút ngày càng cao của đường sách, dù không đặt trọng tâm vào việc bán sách, Đường sách TPHCM cũng đã ghi nhận sự thành công về kinh doanh. Trong 6 tháng đầu năm 2018, các đơn vị tại đây đã bán được gần 386.000 cuốn sách với trên 26.000 tựa, thu về gần 20 tỷ đồng. Doanh thu này tuy chỉ tăng khoảng 5% so với 6 tháng đầu năm 2017 nhưng được ghi nhận là sự thành công. Bởi đầu năm nay, tại TPHCM diễn ra Hội sách thành phố vốn có quy mô lớn nhất nước, đã chia sẻ lượng bạn đọc đến đường sách. Các gian hàng sách đều có sức tăng (trừ gian hàng của Trường Đại học Hoa Sen, do không phải là đơn vị làm sách). 
Điều đáng nói là sau một thời gian bối rối trước hoạt động của đường sách, nhân sự các gian sách đã có sự thay đổi theo hướng chuyên nghiệp, nắm bắt nhanh nhu cầu bạn đọc. Như gian hàng Nhã Nam, ngay khi biết kế hoạch tổ chức các hoạt động của đường sách đã trang trí, bày biện sách theo từng chủ đề. Gian sách NXB Phụ nữ chủ động liên tục tổ chức các sự kiện phù hợp với đặc thù của mình. Gian sách NXB Văn hóa - Văn nghệ TP từng bị đánh giá là trầm lặng, nay sôi động với hàng loạt sự kiện… Kết quả rất rõ ràng, Nhã Nam là một trong các gian có doanh thu cao nhất, NXB Phụ nữ tăng hơn 50%, NXB Văn hóa - Văn nghệ số sách bán ra tăng gấp 3 lần so với trước đây… Việc các gian sách nhanh nhạy góp phần mang lại một không gian sôi động cho đường sách, như: hoạt động Hội sách Văn học châu Âu, NXB Trẻ làm buổi kỷ niệm 20 năm Harry Potter, Nhã Nam giới thiệu kệ sách cổ điển phương Tây, gian Quán sách mùa thu với triển lãm mini sách cũ, sách quý của các tác giả châu Âu… 
Theo ông Nguyễn Hữu Hoạt, Tổng Giám đốc Công ty CP Văn hóa Phương Nam (PNC), thành công của Đường sách TPHCM chính là từ sự am hiểu của những người tham gia; từ vấn đề sách xuất bản cho đến hoạt động văn hóa, kinh doanh. Chính điều này đã giúp Đường sách TPHCM hấp dẫn bạn đọc, tạo nên sự thành công.
Là đơn vị tham gia hầu hết các đường sách trên cả nước, ông Hoạt cho rằng, việc thiếu hụt đội ngũ nhân sự thực sự am hiểu là nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn của các đường sách khác hiện nay. Có đường sách có người quản lý rất giỏi về kinh doanh nhưng lại thiếu am hiểu về sách nên không thể tổ chức các hoạt động văn hóa; lại có đường sách có người giỏi về sách nhưng thiếu nhanh nhạy về thị trường nên không mang lại hiệu quả thiết thực…
Đường sách TPHCM hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất. Bãi xe phía UBND quận 1 đã tạm dừng hoạt động, gây nhiều trở ngại cho bạn đọc; nhà vệ sinh vẫn chưa thực sự hoàn thiện; việc kết nối với hệ thống du lịch của thành phố chưa có… Tuy nhiên, với những gì đã làm được, Đường sách TPHCM đang đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân TPHCM.
Đường sách TPHCM được đánh giá thành công khi tạo được 3 dấu ấn quan trọng. Đầu tiên là việc xây dựng nên một không gian văn hóa. Từ một con đường khá vắng, nay đã trở thành một không gian tràn ngập các hoạt động văn hóa, nhất là với sách. Thứ hai là tạo thành một điểm đến yêu thích không chỉ của người dân TP mà với cả du khách. Hiện Đường sách TPHCM đã nằm trong danh mục những địa điểm phải đến khi ghé thăm TPHCM và được xem là một trong các địa chỉ văn hóa quan trọng của thành phố. Và cuối cùng là việc xây dựng nên một thương hiệu văn hóa, nơi được nghĩ đến đầu tiên với những ai muốn tham dự hay tổ chức một sự kiện văn hóa, nhất là nếu có liên quan đến sách.

TƯỜNG VY