“…Hãy sẵn sàng. Hãy ngồi xuống. Để xem dũng khí nào. Để một người thực sự dũng cảm biết bao khi bộc lộ bản thân theo cách ấy. Trên hết thảy, để thấy được bằng ngôn ngữ của mình, một người vẫn tiếp tục sống, tiếp tục ảnh hưởng tới cuộc đời của những người khác ngay cả khi đã ra đi là thế nào….” (trích lời tựa)
Khi hơi thở hóa thinh không
Reviewed by Phong Trần
Tháng 6/2020
Tôi đã có cơ hội được cầm cuốn sách này trên tay từ năm 2018, khi một em chủ hiệu sách xinh đẹp trên phố Đinh Lễ giới thiệu. Tuy nhiên, vì mải công việc chưa có dịp đọc. Chỉ đến khi nhận lời thử thách của một em đồng nghiệp cùng cơ quan tham gia review một cuốn sách trong thời gian một tuần, tôi bất chợt nhớ tới cuốn sách này- Hơi thở hóa thinh không- cuốn sách có bìa được in với màu xanh chủ đạo, hòa với màu xanh của chiếc áo blue chuyên dành cho các bác sỹ phẫu thuật với khuôn hình là hình ảnh một người bác sỹ quay lưng lại choán gần như toàn bộ trang bìa. Hơi thở hóa thinh không có lẽ đã gây ấn tượng đặc biệt với tôi ngay từ trang bìa của nó.
Và thế là bắt đầu đọc. Thật không uổng công khi tôi quyết định chọn cuốn này để review. Ngay từ trang đầu, phần lời tựa đã cuốn hút tôi, cuốn sách đúng là mẫu sách tôi ưu thích đọc, một cuốn sách chứa đựng câu chuyện có thực, không tô vẽ, không hình tượng hóa. Nói đúng ra, cuốn sách này chứa đựng một câu chuyện thật đau buồn, bệnh tật và cái chết gần như trải dài suốt câu chuyện. Nhưng có một sự khác lạ, cũng là một sự mất mát, nhưng sự ra đi của chính tác giả trong câu chuyện nó mang đến cho người đọc một góc nhìn rất khác. Cái mà Paul (tác giả cuốn sách) mang đến cho người đọc không phải là sự cảm thông hay tiếc nuối, mà trong đó, tôi nghĩ rằng, nếu bạn đọc, bạn sẽ thấy một thông điệp khác lớn lao hơn của tác giả.
“…Hãy sẵn sàng. Hãy ngồi xuống. Để xem dũng khí nào. Để một người thực sự dũng cảm biết bao khi bộc lộ bản thân theo cách ấy. Trên hết thảy, để thấy được bằng ngôn ngữ của mình, một người vẫn tiếp tục sống, tiếp tục ảnh hưởng tới cuộc đời của những người khác ngay cả khi đã ra đi là thế nào….” (trích lời tựa)
(Hình ảnh Paul và Lucy khi đang công tác tại bệnh viện nơi Paul theo học chương trình Bác sỹ nội trú- Hình ảnh do tác giả sưu tầm trên mạng)
Có thể nói, phần chính của cuốn sách là lời tự sự của Paul Kalanithi, một bác sỹ nội trú chuyên khoa phẫu thuật thần kinh. Được thừa hưởng từ sự quan tâm giáo dục của cha mẹ. Anh tốt nghiệp cử nhân và thạc sỹ về văn học Anh và một bằng cử nhân về sinh học người. Nhưng cơ duyên sau đó đã gắn bó anh với ngành y khoa. Tốt nghiệp đại học Y tại trường Yale, sau đó anh tiếp tục quay lại trường Y để theo đuổi chương trình bác sỹ nội trú 7 năm với chuyên ngành phâu thuật thần kinh. Tại đây, trong quá trình nghiên cứu và học tập của mình anh đã dành được giải thưởng cao quí nhất cho nghiên cứu khoa học của Hiệp hội phẫu thuật thần kinh Hoa Kỳ. Giữa lúc sự nghiệp đang thăng hoa, với tương lai sáng lạng trở thành một giáo sư kiêm nhà nghiên cứu khoa học (một chức danh và học vị gần như cao nhất về ngành y mà rất ít người có thể đạt được), thì Paul nhận được tin sét đánh khi biết mình mắc phải căn bệnh ung thư phổi.
“…Tôi lướt qua ảnh chụp CT, chẩn đoán ro ràng: hai phổi mờ mọt và vô số khối u, xương sống biến dạng, một thùy gan bị phá sạch. Là một bác sỹ phẫu thuật thần kinh bước vào năm cuối chương trình nội trú, trong suốt 6 năm qua, tôi đã nghiên cứu vô số bản chụp cắt lớp kiểu này, với hy vọng có thể làm được điều gì đó cho bệnh nhân. Nhưng lần này thật khác biệt: ảnh chụp là của chính tôi…” – trích đoạn cuốn sách
Paul đã mở đầu cuốn sách bằng chính tâm sự của mình như vậy khi anh biết rằng mình bị mắc ung thư phổi. Cái ngày vinh quang đang chuẩn bị chào đón cũng là cái ngày anh biết cuộc sống của anh sẽ không còn được bao lâu.
Từ một nhà bác sỹ với chiếc áo blue phẫu thuật quen thuộc, bỗng chốc anh lại khoác lên mình chiếc áo của chính bệnh nhân. Có lẽ đây là hình ảnh phản chiếu đối nghịch vô cùng buồn trong cuốn sách. Là một nhà phẫu thuật thần kinh, hàng ngày đối mặt với sự sống và cái chết của các bệnh nhân, nhưng khi chính mình trở thành bệnh nhân không khỏi khiến Paul bàng hoàng, anh tìm đến bác sỹ ung thư như tìm kiếm mong mỏi kéo dài sự sống. Nhưng với anh, là một nhà chuyên môn, anh hiểu sự sống của mình, anh hiểu các phương pháp điều trị để kéo dài sự sống của mình, và cũng như bệnh nhân khác, anh cũng mong chờ điều kỳ diệu trong quá trình điều trị, trong sự phát triển của khoa học y khoa. Nhưng, khác biệt ở anh, anh không chờ đợi mà đón nhận tương lai với tinh thần dũng cảm, trách nhiệm và có ích cho xã hội.
Câu chuyện của Paul là những dòng tự thuật về công việc, về ý chí phấn đấu, về những suy nghĩ khi phát hiện mình bị bênh, về quá trình trải qua đợt điều trị, và về những quyết định tương lai sau khi anh ra đi. Câu chuyện đầy những từ chuyên môn, với ai làm trong nghề chắc sẽ rất dễ hiểu, với tôi, mặc dù không có kiến thức gì về ngành y, nhưng đọc những lời anh viết tôi như thấy chứa đựng trong đó một bầu nhiệt huyết chảy qua mãnh liệt. Cũng có lẽ là một nhà văn, lối viết của anh không hoa mỹ, dùng từ đơn giản, nhưng chứa đựng những tâm sự rất thật. Những lời tự sự về cái chết thường được Paul nhắc đến nhưng không phải là những dòng ủy mị, sầu não. Paul đón nhận nó với long dũng cảm, và sau hết, anh muốn dành trọn thời gian còn lại ít ỏi của mình để tiếp tục cống hiến, anh muốn sống cuộc sống trách nhiệm với xã hội cho đến hơi thở cuối cùng.
Anh đã không chọn giải pháp nghỉ ngơi như nhiều bệnh nhân khác, khi phát hiện ra ung thư, cùng với bác sỹ điều trị tìm được phướng pháp điều trị giai đoạn đầu khi không phải điều trị xạ trị, anh đã tiếp tục làm việc, tiếp tục hoàn thành nốt phần cuối của chương trình đào tạo nội trú 7 năm của mình. Và cũng trong thời gian này, vợ chồng Paul đã quyết đinh có con bằng phương pháp làm ống nghiệm trước khi Paul bắt đầu đợt điều trị đầu tiên của mình. Những ngày cuối của Paul là nhừng ngày chống chọi với căn bệnh ung thư, những ngày anh phải gồng mình chịu đựng sự mệt mỏi, đau nhức để tiếp tục làm việc, tiếp tục hoàn thành sứ mệnh nghiên cứu hoàn thành khóa học. Ngày đón chờ còn gái ra đời, ngày đón chờ kết thúc chương trình nghiên cứu bác sỹ nội trú kết thúc cũng là những ngày cuối cùng của Paul trên đời. Có lẽ đọc những cảm tâm sự của anh không ai có thể cầm lòng khi nghĩ về kết cục đầy đau thương trước mắt của Paul
(Hình ành Paul và con gái Cady khi anh đang điều trị bệnh- Hình ảnh tác giả sưu tầm trên mạng)
Câu chuyện đột ngột dừng lại như báo cho độc giả thấy điều mà tác giả đã đề cập ngày từ phần mở đầu, Paul ngừng bút cũng là khi anh không còn đủ sức để viết tiếp. Đến đây, tôi chợt nhớ tới cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” mà tôi đã từng đọc. Có điều gì đó giống nhau giữa nội dung giữa hai cuốn sách này, hay nói đúng hơn là giữa hai tác giả của cuốn sách. Cùng là những tâm sự, suy nghĩ của người trong cuộc, sống một cuộc sống đầy hy sinh và trách nhiệm với xã hội, sẵn sàng đối mặt sự hy sinh một cách anh dũng, khí phách (khi Liệt sỹ Đặng Thùy Trâm mô tả cảnh lính Mỹ đi tuần tiếng giầy ngay trên nắp hầm chị đang trú). Cũng kết thúc một cách đột ngột, chỉ có điều khác đó là “Hơi thở hóa thinh không” được kết thúc với lời bạt của Lucy Kalithi- vợ anh. Lucy đã dành phần còn lại của cuốn sách để viết về những ngày cuối của Paul đan xen là những dòng tự sự của mình khi đón nhận sự ra đi của Paul.
Có lẽ, với tôi, những dòng của Lucy chứa đựng thật nhiều cảm xúc nhất và tôi đảm bảo rằng bạn sẽ rơi nước mắt. Những tâm sự của một người thân khi chứng kiến người mình yêu thương sắp ra đi thật xúc động. Cảnh bé Cady 8 tháng tuổi vui đùa bên người bố, cảm giác trống vắng mà Lucy mường tượng ra khi Paul ra đi có lẽ vẫn còn làm lồng ngực tôi thấy ngộp thở, nó quá nặng nề khi phải chia tay một con người như Paul.
(hình ảnh Paul và con gái khi mới sinh- Hình ảnh do tác giả sưu tầm trên mạng)
Cuốn sách được biên soạn thành 3 phần, phần lời tựa của bạn Paul, phần viết của chính tác giả và phần sau cùng là lời tự sự của Lucy – vợ Paul sau khi anh qua đời. Mỗi đoạn đều mang một ý nghĩa và thông điệp rất riêng. Một tâm sự của người bạn, một tâm sự của chính người trong cuộc và một tâm sự của người thân. Tất cả đã mang lại giá trị của cuốn sách như thông điệp của nó đã truyền tải. Thông điệp đó là như thế nào, với tôi, đó là: (i) hãy sống một cách có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội cho dù bạn là ai, làm gì và ở hoàn cảnh nào đi nữa; (ii) Hãy dũng cảm khi đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống; (iii) Hãy nhớ, cho dù ở đâu làm gì và khi nào thì gia đình vẫn là nơi nương tựa, nơi để chia sẻ và là động lực để ta bước tiếp.
Còn bạn? Nếu bạn muốn tìm cho riêng mình một thông điệp, hãy cầm cuốn sách lên đọc và cho mình biết cảm nghĩ của bạn nhé! Tin tôi đi, cuốn sách rất đáng giá để bạn bỏ thời gian đọc đấy!
Review by Phong Trần
Hà nội, tháng 6/2020
Bình luận