Cuốn sách trả nợ bạn đọc và lịch sử về sự kiện 30/4/1975

“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” dưới góc nhìn Chủ tịch Hội Nhà văn

 

Không cầm giấy chuẩn bị trước, nhà thơ Hữu Thỉnh đã nói về “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” bằng sự trân trọng và cảm xúc đặc biệt: Chiến thắng Điện Biên Phủ và đại thắng mùa xuân năm 1975 là hai chiến thắng vĩ đại của nhân dân nhưng đến nay chưa hề có một cuốn tiểu thuyết nào viết về Điện Biên Phủ. Còn chiến dịch Hồ Chí Minh, về văn học, chúng ta có một số cuốn tiểu thuyết, trong đó có cuốn "Tổng thống cuối cùng" của nhà văn Nguyễn Trần Thiết. Nhưng những cuốn tiểu thuyết trên mới chỉ phản ánh một phần của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975, phản ánh cuộc chiến ở một tuyến phòng thủ hoặc một mặt trận của quân đội Sài Gòn (như mặt trận Xuân Lộc) và nhắc đến một phần về Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh".

 

 

Như vậy, các nhà văn Việt Nam đã mắc một món nợ lớn với bạn đọc, với lịch sử. Chúng ta còn bỏ trống một đề tài vô cùng lớn, một sự kiện vô cùng vĩ đại đó là ngày 30/4/1975. Trong lúc chúng tôi đang loay hoay xem đầu tư cho ai để có thể có cuốn tiểu thuyết sử thi tổng hợp về chiến dịch Hồ Chí Minh thì may quá, một người cũng không được nhắc đến nhiều, một người cũng không phải Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đó là nhà báo Trần Mai Hạnh.

 

Nhà báo Trần Mai Hạnh viết cuốn sách này đã lấp một khoảng trống vô giá về văn học chiến tranh, lấp một khoảng trống cho đến nay chưa ai lấp được về văn học đối với chiến dịch Hồ Chí Minh.

 

Sau chiến dịch Hồ Chí Minh có một số trường ca của nhà thơ Hữu Thỉnh, của Thanh Thảo, của Nguyễn Duy... nhưng một cuốn tiểu thuyết có tính sử thi, cặn kẽ, tỉ mỉ, nghiền ngẫm và đặc biệt là vô cùng sang trọng... nhà báo Trần Mai Hạnh đã cho chúng ta một điều sâu thẳm là chỉ có văn chương mới có thể làm được, sau Buôn Mê Thuột, Sài Gòn sụp đổ là tất yếu. Vì sao? Từ Nguyễn Văn Thiệu đến Trần Vân Bôn... tất cả tướng tá Sài Gòn đã sụp đổ trong tâm trạng, trong ý chí. Một sự sụp đổ trước khi sụp đổ. Một sự sụp đổ trước khi chúng ta nhìn thấy lá cờ của chúng ta bay trên Dinh Độc lập.

 

Văn học cổ có khái niệm: văn - sử - triết bất phân, tiêu biểu như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Thì cuốn tiểu thuyết hiện đại của tác giả Trần Mai Hạnh là văn -  sử - báo bất phân.

 

Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng sức sống của Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 sẽ trường tồn, sẽ sống mãi trong trí nhớ của một thế hệ anh bộ đội cụ Hồ. Tôi tin chắc cuốn sách là cẩm nang không phải chỉ cho thế hệ chúng tôi mà là cẩm nang tinh thần cho mọi thế hệ Việt Nam.

 

Cuốn sách có số phận đặc biệt

 

Nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh tiết lộ, ông may mắn được sắm một lúc hai vai là nhà văn, nhà báo. Chứ nếu chỉ nhà báo thì rất có thể sự kiện 30/4/1975 trở thành phóng sự. Hoặc nếu chỉ là nhà văn thì sẽ dùng khả năng hư cấu và trí tưởng tượng giải quyết luôn. Ông là người may mắn được sống trong thời khắc lịch sử vô giá đó, chứng kiến một Sài Gòn vừa giải phóng như thế nào, một Sài Gòn bước sang ngày hôm sau của tháng 5 ra sao. Ông ý thức được giây phút đã qua có giá trị như thế nào và đã nung nấu ý định phục dựng lại. Hơn 30 năm ấp ủ và tự mày mò tìm tư liệu để bồi đắp cho trang viết. Thậm chí có người nắm trong tay nhiều tài liệu khác quý giá cũng muốn cùng ông viết nên cuốn sách. Nhưng rồi họ tự biết căn bệnh hiểm nghèo của mình không qua được nên đã tặng lại cho Trần Mai Hạnh toàn bộ tư liệu với niềm tin tưởng những tài liệu này sẽ có ích khi ông viết sách.

 

Nhà báo Trần Mai Hạnh bắt đầu đặt bút viết cuốn sách từ khá sớm. Từ thời Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam -nhà thơ Hữu Thỉnh còn làm Tổng biên tập báo Văn nghệ thì ông đã gửi 2 chương đăng. Nhưng khi ông cầm bút viết tiếp thì gặp không ít bế tắc. Thậm chí đã có lần ông định đem đốt bản thảo viết dở. Thế nhưng, nhờ sự “hỏi thăm” về cuốn sách cũng như sự khích lệ của nhà thơ Hữu Thỉnh mà ông đã bình tâm ngồi gỡ ra, viết lại. Viết trong một tâm thế hoàn toàn khác, không đọc bất cứ một tài liệu nào dính dáng đến ngày 30/4 lịch sử của dân tộc, thậm chí cả những cuốn sách mình viết trước đó.

 

Viết xong, đem đi in, in ở đâu cũng là trăn trở không nhỏ của nhà báo Trần Mai Hạnh. Sau khi lựa chọn và được sự chấp nhận của NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật thì lại hành trình đặt tên sách cũng vô cùng gian nan. Ban đầu ông đặt tên là Sụp đổ. Chưa được. Những cái tên khác được đưa ra... cũng không được. Ông tâm sự về sự mệt mỏi có phần bế tắc với con gái - nhà báo Trần Mai Anh. Sau 6 lần đổi tên và chỉnh sửa, và cuối cùng cái tên Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 đã được con gái ông đặt cho, trở thành tên cuốn sách.

 

Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 đã ra mắt bạn đọc dịp kỷ niệm 39 năm giải phóng miền Nam. Cùng năm đó, cuốn sách được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Đây có lẽ cũng là lần đầu tiên một cuốn sách được giải văn chương của một hội chuyên ngành như Hội Nhà văn Việt Nam lại được in ở NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật.

 

Sau đó, cuốn sách tiếp tục được giải thưởng văn học ASEAN. Cho đến nay cuốn sách đã tái bản 3 lần với 4 bìa sách khác nhau mới có buổi ra mắt giới thiệu sách vào 28/5. Thông thường một cuốn sách ngay khi hoàn thành sẽ có buổi ra mắt giới thiệu.

 

Năm nào Hội Nhà văn cũng trao giải thưởng nhưng cho đến nay cuốn sách Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75của nhà báo Trần Mai Hạnh được Hội Nhà văn quyết định dịch sang tiếng Anh là quyết định duy nhất. Hiện naytác giả cũng chưa phải là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

 

Hành trình để cuốn sách tái bản lần thứ 3, phiên bản đặc biệt, cũng khá bất ngờ, khi tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng- Chủ tịch HĐQT của công ty sách Thái Hà nghe nhà thơ Hữu Thỉnh - một người có uy tín trên văn đàn đánh giá cuốn sách Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của nhà báo Trần Mai Hạnh là “Viên kim cương của văn học tư liệu” nên tò mò đọc thử. Và cuốn sách cuốn hút ông đến nỗi phải đọc bằng hết. Đọc xong là ông muốn gặp ngay tác giả và có ý định tái bản sách để nhiều người có cơ hội đọc, thậm chí nếu không bán hết sẽ đem đi tặng.

 

Ba lần sách tái bản đã có những sự bổ sung nhất định. Lần tái bản thứ hai cuốn sách đã được bổ sung bảng tra cứu tên người và 21 tài liệu nguyên bản có giá trị tham khảo. Lần tái bản mới nhất cuốn sách đã chỉnh sửa tên người, tên địa danh nước ngoài từ phiên âm sang bản ngữ, thay ảnh bìa và thêm mục Tác phẩm và dư luận với nhận xét của nhà thơ Hữu Thỉnh, nhận xét của Chủ tịch Hội đồng giải thưởng văn học ASEAN, Cảm nhận từ bản thảo của nhà thơ, nhà báo Mai Linh...

 

Cuốn sách đề cập đến 273 nhân vật với sự chính xác, chân thực nhưng nhà báo Trần Mai Hạnh cho rằng “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” là công lao của nhiều người cùng đóng góp mà có thể họ đã mất, họ là người lặng lẽ mà thậm chí ông không biết tên. Ông chỉ là người có cơ duyên và cơ may khi nắm trong tay những tư liệu quý giá để phục dựng lại, nếu một mình ông thì không thể làm nên cuốn sách. Sự bày tỏ chân thành của ông cũng là lời cảm ơn gửi đến những người góp vào sự hình thành và thành công của “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” .

Hiền Nguyễn